Nhiều shipper vận chuyển hàng hóa giao cho khách bị phạt vì không phải hàng thiết yếu. Tuy nhiên, cũng có người giao hàng thiết yếu bị phạt vì di chuyển từ quận này sang quận khác.
Ngày 25/7, Đội cảnh sát giao thông – trật tự (CSGT-TT) Công an quận 1, TP.HCM đã xử lý hàng loạt trường hợp ra đường khi không thực sự cần thiết theo chỉ thị 16.
Tại giao lộ Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tổ tuần tra đã dừng xe máy do ông T. (60 tuổi, ngụ quận 1) điều khiển để kiểm tra.
Ông T. cho biết đang trên đường mang nước yến, bắp cải, bột sắn dây sang thăm mẹ ở quận Tân Bình. Ông T. cho rằng những thứ ông mang là thiết yếu. Tổ tuần tra sau đó giải thích bột sắn dây, nước yến không phải là thực phẩm thiết yếu và việc chăm sóc bà cụ vẫn nên để cho những người đang sống chung nhà bà lo liệu, khi tình hình dịch bệnh tạm ổn thì ông T. có thể sang thăm sau.
Còn anh Q. bị tổ kiểm tra lập biên bản vì từ quận Bình Thạnh sang quận 1 để giao gạo. Trình bày với lực lượng chức năng, anh Q. cho biết đi giao gạo về. Từ quận Bình Thạnh anh chở 10kg gạo đi giao cho một người khách lớn tuổi ở quận 1, khi trở về gặp chốt tuần tra kiểm soát quận 1.
Mặc dù anh Q. trình bày lý do ra đường là giao hàng thiết yếu nhưng lại đi từ quận Bình Thạnh qua quận 1 nên bị xử phạt theo quy định quận cách ly với quận.
“Tôi nghĩ vận chuyển thực phẩm thiết yếu thì được ra đường chứ không biết là từ quận này sang quận khác là không được. Giao cho khách lớn tuổi có 10kg gạo à. Giờ bị lập biên bản phạt phạt 2 triệu vì vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19 nên chấp nhận thôi. Lỗi do mình”, anh Q. nói.
Tuần tra kiểm soát linh động trên đường, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều shipper chở hàng không thiết yếu.
Cụ thể, trên đường đi giao tủ lạnh cho khách hàng, anh N. (33 tuổi, huyện Nhà Bè) là nhân viên cửa hàng Điện Máy Xanh bị CSGT mời vào kiểm tra.
Anh N. bị tổ công tác lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi ra đường không thật sự cần thiết. Ngoài ra, người này còn bị xử phạt khi ra đường không có giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân.
Anh N. không đồng ý lập biên bản và cho rằng mình chỉ là nhân viên giao hàng làm việc theo yêu cầu của công ty, không có quyền từ chối.
Theo CSGT, hàng điện tử không thuộc danh mục thiết yếu nên việc anh N. vận chuyển trên đường là vi phạm và công ty điện máy phải có trách nhiệm với người lao động của mình. Sau một hồi lâu giải thích, anh N. mới đồng ý ký vào biên bản. Với lỗi trên, anh N. bị phạt số tiền hơn 2 triệu đồng, tạm giữ phương tiện là xe máy.
Tương tự, trên đường Nguyễn Huệ, một shipper công nghệ cũng bị CSGT dừng xe kiểm tra. Tại đây, người này cho biết đang đi giao hàng cho khách là cục sạc điện thoại.
Theo thiếu tá Đinh Tiến Dũng, phó đội trưởng Đội CSGT-TT quận 1, ngoài 10 chốt kiểm soát dịch, Công an quận 1 còn bố trí lực lượng tuần tra lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chỉ thị 16.
Ngày 25/7, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, người giao hàng (shipper) trên địa bàn TP.HCM chỉ được vận chuyển các mặt hàng thiết yếu. Lực lượng chức năng sẽ kiểm tra và xử phạt nếu người giao hàng không thuộc các hãng vận chuyển, không xuất trình giấy tờ tùy thân và đang vận chuyển hàng không thiết yếu.Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, hiện nay, 2/3 xe máy đi đường là người giao hàng với 2 hình thức: shipper công nghệ và xe ôm truyền thống chuyển sang shipper. Để tăng cường phòng, chống dịch TP sẽ cấm các phương tiện giao hàng tự phát vì khó kiểm soát. Riêng các đơn vị vận chuyển được hoạt động nhưng phải tổ chức có trật tự, đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
5 lần kéo dài thời gian giãn cách xã hội của TP.HCM Lần 1: Từ 0 giờ ngày 31/5, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng Chỉ thị 16. Lần 2: Từ ngày 14/6, TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 thêm 2 tuần. Lần 3: Từ ngày 19/6, TP HCM áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM, không nêu thời hạn. Lần 4: Từ ngày 97, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày khi dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Lần 5: Từ ngày 24/7, TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8. |
Số liệu tiêm vắc xin tại Việt Nam (cập nhật đến ngày 25/7) – Tổng số liều đã nhập: 13.197.100 – Tổng số liều đã tiêm: 4.535.741 – Số liều tiêm mũi 1: 4.163.388 – Số liều tiêm mũi 2: 372.353 |